Thị trường văn phòng Hà Nội sẽ đi về đâu trước làn sóng Covid thứ 2?

Đăng ngày 20/08/2020

Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ "tàn phá" nền kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Sức ảnh hưởng của đại dịch có lẽ cũng tương đương với một cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra trên toàn cầu. Và không chỉ có ngành du lịch, dịch vụ vận tải, hàng không... chịu ảnh hưởng, nhà đất BĐS, trong đó có phân khúc văn phòng cho thuê cũng đang "ngấm đòn".

Theo báo cáo thị trường quý 2/2020 của Savills Việt Nam, thị trường văn phòng Hà Nội có nhiều biến động. Cụ thể, giá thuê gộp trung bình giảm -1% theo quý và -1% theo năm. Hạng A duy trì ổn định trong khi Hạng B và C ghi nhận sụt giảm, chủ yếu tại các dự án có nhiều diện tích trống. Do các hợp đồng dài hạn đã được ký kết ở các quý trước, công suất thuê trung bình tăng nhẹ 1 điểm % theo quý và 1 điểm % theo năm.

Ghi nhận của chuyên viên cho thuê văn phòng Hanoi Office cho biết, thị trường văn phòng Hà Nội đã chứng kiến những tác động đầu tiên từ khách thuê, trong đó một số doanh nghiệp đã buộc phải trả lại một phần hoặc toàn bộ mặt bằng văn phòng. Ngay cả khi các chủ nhà đã có nhiều chính sách hỗ trợ tài chính cho khách thuê trong mùa dịch như: điều chỉnh giá thuê từ 10- 30%, các điều khoản thuê thuận lợi hơn, đàm phán lại các điều khoản thiết yếu để giảm tỷ lệ trống nhưng tình hình cũng không mấy khả quan.
 
(Nhiều tòa nhà đã giảm giá thuê và có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng tỉ lệ trống vẫn cao. Ảnh minh họa)

Thế nhưng, trong khi cả chủ nhà lẫn khách thuê vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy lần thứ nhất thì lại bất ngờ bước vào vòng xoáy lần 2 còn nặng nề hơn, diễn biến nhanh hơn nhiều lần trước đó. Chia sẻ với chuyên viên của Hanoi Office, anh Trần Mạnh Hùng, giám đốc một công ty xây dựng trên địa bàn Hà Nội cho biết, gần 8 tháng qua công ty anh mới chỉ kí được 1, 2 hợp đồng nhỏ không đủ trả lương nhân công và chi phí duy trì công ty. Công ty anh đã phải trả mặt bằng 70m2 tại một tòa nhà hạng C để chuyển sang thuê căn chung cư nhỏ hơn với chi phí chỉ 5 triệu đồng/ tháng. Nhưng tình hình cũng chỉ cầm cự được 1, 2 tháng nữa. Dịch bệnh diễn biến phức tạp như thế này chắc chắn công ty anh sẽ phải giải thể. "Từ giờ đến cuối năm, sẽ có hàng trăm doanh nghiệp tiếp tục phá sản"- anh Hùng nhận định.

Theo nhận định của CBRE Việt Nam, việc giảm thuê phụ thuộc rất nhiều vào các hình thức đòn bẩy tài chính. Các doanh nghiệp cho thuê cũng chịu nhiều áp lực tài chính. Do đó, việc giảm giá thuê thêm nữa thật sự rất khó và nếu có cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Đặc biệt là các tòa nhà ở vị trí trung tâm, giảm giá thuê sẽ gây ra nhiều hệ lụy nên họ cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Đứng trước tình hình kinh tế khó khăn chung, các chuyên gia cho rằng, rất khó để thị trường văn phòng có những điểm sáng trong 2 quý cuối năm. Phân khúc hạng A, B sẽ đi ngang, thậm chí là tỷ lệ trống sẽ tăng lên. Văn phòng giá rẻ, văn phòng dịch vụ, văn phòng chia sẻ hay cho thuê chỗ ngồi làm việc sẽ nhiều nhu cầu hơn do việc cắt giảm nhân sự và cho phí thuê. Để có phương án phù hợp nhất giữa các bên, các doanh nghiệp nên chủ động đàm phán với chủ nhà các biện pháp hỗ trợ và đưa ra nhiều giải pháp mới. Tuy nhiên so với đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4, hiện nay việc đàm phán sẽ khó khăn hơn nhiều.
(Hanoi Office)